Chưa hẳn là một cái “mốt” nhưng sở hữu một đội bóng không còn là chuyện hiếm với người giàu trên sàn chứng khoán. Câu chuyện kinh doanh bóng đá của họ cũng trải qua không ít thăng trầm trong một năm qua.
Đứng thứ 14 trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán do VnExpress.net công bố, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB) - Nguyễn Đức Kiên là ông bầu được chú ý nhất trong năm. Không có đột biến về kinh doanh, tài sản chứng khoán của ông Kiên sụt giảm khoảng 5%, xuống gần 760 tỷ đồng, chủ yếu do cổ phiếu ACB giảm giá. Tuy nhiên, sự hao hụt này không đáng kể so với mức giảm chung của thị trường, giúp ông Kiên vẫn tiến 9 bậc, trở thành người giàu thứ 14 trên sàn chứng khoán.
Bầu Kiên công kích trực diện VFF và trọng tài trong buổi tổng kết V-League 2011. Ảnh: K.N |
Đối với bóng đá, trước lễ tổng kết V-League 2011, tên tuổi của Chủ tịch câu lạc bộ Hà Nội ACB có lẽ chưa nổi bằng những cái tên như bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai) hay bầu Thắng (Gạch Đồng Tâm). Tuy nhiên với bài phát biểu gây sốc, trong đó chỉ trích trực diện những bất cập của Liên đoàn (VFF) và giải đấu, ông Kiên được coi là người bắn phát súng lệnh cho một cuộc “dời non lấp bể” của bóng đá Việt. Sự ra đời của Công ty VPF - nhà điều hành mới của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nơi ông Kiên nhậm chức Phó chủ tịch, được xem dấu ấn cụ thể nhất của quá trình này.
Trên sân bóng, Hà Nội ACB của bầu Kiên thi đấu không tốt tại V-League 2011 và phải chấp nhận xuống hạng sau khi thua 2-3 trong trận đấu ở vòng áp chót trước Sông Lam Nghệ Ạn. Ông Kiên lập tức chứng tỏ sự giàu có bằng cách mua lại ngay Hòa Phát Hà Nội (câu lạc bộ vừa giành quyền trụ hạng) để tiếp tục sở hữu một đội chơi ở hạng cao nhất.
Hòa Phát sau đó được bầu Kiên đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội cùng với những khoản đầu tư kếch xù để chiêu mộ cầu thủ (trong đó “khủng” nhất là bản hợp đồng 15 tỷ với tiền đạo Công Vinh). Tuy vậy, đội bóng của ông vẫn thua ngay trong ngày khai cuộc giải Ngoại hạng quốc gia 2012 trước Hà Nội T&T và chờ đợi một mùa giải khó khăn trước mắt.
Trái với ông Hiển, bầu Long của Hòa Phát Hà Nội có một năm khá đen đủi trên nhiều lĩnh vực khi tài sản chứng khoán giảm gần 55%, xuống còn gần 1.340 tỷ, lùi từ vị trị người giàu thứ 4 sàn chứng khoán xuống thứ 9. Tuy nhiên, sự trồi sụt này có lẽ không đau đớn bằng việc ra quyết định giải thể Hòa Phát Hà Nội, đội bóng mà ông giữ cương vị Chủ tịch và gắn bó suốt 8 năm qua. Tiết lộ nguyên nhân của quyết định này trong buổi Tổng kết V-league, Bầu Kiên - bạn thân, đồng thời cũng là người tiếp nhận CLB Hòa Phát - cho biết ông Long quyết định từ giã do quá chán nản với bóng đá Việt Nam.Không chỉ chiến thắng trước Câu lạc bộ Hà Nội trong trận derby thủ đô, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển của Hà Nội T&T cũng vừa trải qua một năm thành công khi 2 đội bóng mà ông sở hữu (T&T) và tài trợ chính (SHB Đà Nẵng) đều có mặt trong Top 3 V-League 2011. Tuy nhiên, tổng tài sản chứng khoán của đại gia này lại bốc hơi hơn một nửa do giá cổ phiếu sụt giảm, từ 256 tỷ đồng xuống còn 124 tỷ đồng.
Không có những đột biến lớn, năm 2011 dường như là thời điểm mà người giàu thứ 2 sàn chứng khoán - Đoàn Nguyên Đức chuẩn bị cho một giải đoạn phát triển tiếp theo. Là người giảm tài sản chứng khoán lớn nhất trên sàn năm nay (giảm hơn 8.500 tỷ đồng) xuống còn gần 4.350 tỷ đồng nhưng doanh nhân quyền lực hàng đầu ASEAN đang “giảm tốc” để chuẩn bị cho những bước ngoặt mới.
Gần đây, Chủ tịch của Hoàng Anh Gia Lai cũng vừa tuyên bố sẽ định vị doanh nghiệp theo hướng giảm dần tỷ trọng lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản, tăng dần nguồn thu từ cao su. Triết lý tăng trưởng bền vững có lẽ cũng được ông Đức áp dụng khá kiên trì khi làm bóng đá.
Sau thành công trong những năm đầu của bóng đá chuyên nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai thường xuyên chỉ xếp ở vị trí giữa bảng xếp hạng V-League trong khoảng 4 năm gần đây. Tuy nhiên, đây gần như vẫn là câu lạc bộ duy nhất của bóng đá Việt Nam xây dựng được một hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ, với sự hỗ trợ của các đội bóng tầm cỡ thể giới. Nhiều quan chức của bóng đá Việt Nam đã nhận định đây chính là cơ sở để Hoàng Anh Gia Lai tiến xa hơn trong tương lai.
Nhiều ý kiến cho rằng việc bầu Thụy "tạm" bỏ Sài Gòn Xuân Thành thực tế là một chiêu nhằm huy động vốn. Ảnh: An Nhơn |
Một trong những gương mặt mới của làng bóng đá cũng như chứng khoán Việt Nam trong vòng một năm qua là ông bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy) của Sài Gòn Xuân Thành. Việc mua lại Công ty chứng khoán Vincom đã giúp đại gia đất Ninh Bình lần đầu tiên lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán (xếp vị trí thứ 193 với tài sản chứng khoán hơn 30,7 tỷ đồng).
Trên sân cỏ, bầu Thụy cũng gây ra không ít bất ngờ khi xây dựng một “đội tuyển quốc gia thu nhỏ” tại Sài Gòn Xuân Thành và nhanh chóng giúp đội bóng này vô địch Giải hạng Nhất. Tuy nhiên, ngay sau khi giành quyền thăng hạng, ông Bầu nổi tiếng chịu chơi này lại tuyên bố “chán bóng đá” và bán lại đội bóng cho Công ty Truyền thông bóng đá Việt Nam (VFM) với giá 60 tỷ đồng.
Dưới sự điều hành của người chủ mới, Sài Gòn Xuân Thành nhanh chóng đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn để chơi tại giải Ngoại hạng. Tuy nhiên, người hâm mộ càng sốc hơn khi chỉ trong vòng 2 tuần, tân Chủ tịch câu lạc bộ Lưu Quang Lãm bất ngờ xin từ chức, bất chấp những tuyên bố hùng hồn trước đó. Người nắm lại vị trí này, sau khi huy động thành công 60 tỷ đồng từ VFM, không ai khác chính là bầu Thụy.
Ngoài những gương mặt lộ diện nói trên, nhắc đến giới “bầu bóng” trên sàn chứng khoán không thể thiếu gương mặt của đại gia Đặng Thành Tâm. Tuy chưa chính thức giữ cương vị chủ tịch tại bất kỳ một đội bóng nào nhưng khó ai có thể phủ nhận vai trò nhà đầu tư chính, nhà tài trợ của Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn vào 2 đội bóng Navibank Sài Gòn (đang chơi ở giải Ngoại hàng) và SQC Bình Định (chơi ở giải hạng nhất).
Đại gia Đặng Thành Tâm và Chủ tịch Navibank Sài Gòn nâng cao chức Cúp vô địch quốc gia 2011. Ảnh: An Nhơn |
Giảm hơn 70% giá trị cổ phiếu trong năm 2011 và chỉ còn gần 1.400 tỷ đồng (tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán) nhưng ông Tâm lại có được niềm vui trên sân bóng khi Navibank Sai Gòn đoạt Cúp Quốc gia hồi cuối tháng 8 vừa rồi.
Mối lương duyên giữa các đại gia và bóng đá không còn quá xa lạ trên thế giới cũng như Việt Nam. Nhiều người cho biết họ đến với sân cỏ vì đam mê nhưng cũng không ít thừa nhận đây là một công cụ đầu tư, marketing hiệu quả cho dù câu chuyện lời lãi vẫn phải chờ đợi ở tương lai.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn