Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Những doanh nghiệp niêm yết lỗ ‘khủng’


Trong khi chứng khoán có SBS lỗ 610 tỷ đồng thì ngành bất động sản cũng có tới 2 đại diện thuộc nhóm lỗ trăm tỷ năm 2011 là SAM và ITC.

Theo kết quả kinh doanh được công bố đến ngày 15/2, nhiều doanh nghiệp lớn bất ngờ đứng trong danh sách những công ty lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng năm 2011. Trong đó, góp mặt nhiều nhất là các đại diện ngành chứng khoán và bất động sản.

Một lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết, đến nay có 63/102 công ty chứng khoán báo lỗ, cao hơn nhiều so với con số 28 công ty trong năm 2010. Số lỗ của nhiều công ty trong năm 2011 thậm chí lên tới hàng trăm tỷ đồng do chi phí trả lãi vay tăng cao, co hẹp nghiệp vụ môi giới và hoạt động tự doanh kém hiệu quả.

Danh sách những công ty lỗ hàng trăm tỷ đồng có đại diện nhiều công ty chứng khoán và bất động sản. Ảnh minh họa.
Danh sách những công ty lỗ hàng trăm tỷ đồng có đại diện nhiều công ty chứng khoán và bất động sản. Ảnh minh họa.
Chứng khoán Sacombank (SBS) là công ty lỗ kỷ lục trong số các doanh nghiệp niêm yết đã ông bố báo tài chính với mức lỗ ròng là gần 610 tỷ đồng. Ngoài hoạt động tư vấn, các mảng nghiệp vụ khác như môi giới, đầu tư, góp vốn, phát hành chứng khoán… đều giảm mạnh hoặc không phát sinh doanh thu. Doanh thu môi giới chứng khoán của SBS giảm 66% so với năm 2010, kéo tổng doanh thu của SBS chỉ còn 923,3 tỷ đồng (năm 2010 là 1.376,8 tỷ).

Nhiều công ty cùng ngành khác có mức lỗ từ vài chục đến hàng trăm tỷ như chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (382 tỷ), chứng khoán VnDirect (201,8 tỷ), chứng khoán BIDV (176,6 tỷ), chứng khoán Phương Đông (34,4 tỷ), chứng khoán Tràng An (27 tỷ). Thậm chí, kịch bản lỗ này đã kéo dài qua nhiều quý kể từ năm 2010, như chứng khoán Sao Việt hiện đã lỗ tới 6 quý liên tiếp.

Một đại diện của vận tải biển là Công ty vận tải biển và bất động sản Việt Hải - VSP lỗ tới 523 tỷ đồng năm 2011 trong khi lợi nhuận sau thuế của năm trước là gần 2.700 tỷ đồng. So với đầu năm 2011, vốn chủ của VSP đã giảm hơn 46%. Để tránh lỗ, một số công ty khác cùng ngành đã phải thanh lý tàu để tăng nguồn thu khác như Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu Biển Việt Nam (VST). Số lãi cuối năm của công ty này là hơn 65 tỷ trong khi lợi nhuận từ việc bán tàu là gần 240 tỷ đồng.

Liên tục bán tháo dự án để thu hồi vốn nhưng đến cuối năm 2011, nhiều công ty bất động sản vẫn không thoát lỗ. Năm 2011, doanh thu thuần của công ty mẹ SAM giảm 20% so với 2010, số lỗ cuối năm lên tới 204 tỷ đồng, trong đó lỗ từ hoạt động tài chính là hơn 210 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn tăng đột biến lên tới gần 300 tỷ, gấp gần 5 lần so với đầu năm. Ngoài SAM, một số đại diện khác của ngành địa ốc có chung kết quả kinh doanh yếu kém gồm Intresco lỗ 162 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai và Sudico lỗ trên 22 tỷ đồng. Tình trạng trên trái ngược với kết quả năm 2010 khi các công ty này đều lãi hàng trăm tỷ.

Tham gia vào danh sách các công ty lỗ "khủng" năm 2011 còn có Thủy sản Cadovimex - CAD với mức lỗ cả năm 2011 là âm 300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 165 tỷ. Trong quý cuối của năm 2011, doanh thu của CAD chỉ đạt 91 tỷ đồng trong khi giá vốn hơn 323 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp là âm 232 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí khác, CAD lỗ ròng 272 tỷ đồng riêng quý IV/2011.

Thực tế, kết quả hoạt động kinh doanh yếu kém đã phản ánh ngay trong biến động giá cổ phiếu của các công ty này từ cuối năm 2011. Tính từ 15/12/2011, SBS đã giảm sàn 22 phiên, cổ phiếu mất 14% thị giá. Là một blue-chip trên sàn HOSE, giá cổ phiếu của SAM hiện chỉ tương đương 10% so với thời điểm giữa năm 2009. Thậm chí, trong 10 phiên giao dịch gần nhất, SAM giảm sàn tới 5 phiên.

Hiện tại, giá cổ phiếu của hầu hết doanh nghiệp ngành vận tải biển đều chỉ bằng một nửa mệnh giá. Giá cổ phiếu của Công ty Vận tải biển Việt Nam chỉ còn 3.600 đồng, Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam có giá 4.300 đồng, Công ty Vận tải Vinaship giá 4.400 đồng …

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, việc các công ty thuộc ngành có kết quả kinh doanh không khả quan trong năm vừa qua là do tác động của bong bóng thị trường và khủng hoảng kinh tế thế giới. Ngoài ra, áp lực từ việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, cũng như quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các công ty trong ngành.

“Sau một thời gian phát triển quá nóng như vừa qua, cơn sốt thị trường lắng dịu cũng là lúc các công ty chứng khoán đối mặt với quá trình thu hẹp quy mô hoạt động, giảm bớt các nghiệp vụ. Sự sụt giảm đáng kể doanh thu và gia tăng dự phòng giảm giá đầu tư là lý do chính khiến các công ty này thua lỗ lớn”, chuyên gia này chia sẻ.

Quỳnh Anh

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn